CÁCH DỖ TRẺ KHÔNG CHỊU ĐI HỌC

24/08/2023

 

Bắt đầu đi học mầm non hay đơn giản hơn là quay lại trường học sau một kỳ nghỉ dài luôn khiến các bạn nhỏ cảm thấy vô cùng khó khăn để làm quen và thích nghi.

Đầu năm học, bé lạ lẫm, bất an với môi trường mới. Thông thường trẻ từ 3 tuổi sẽ bắt đầu đi học mẫu giáo. Thời gian trước đó bé đã quen với việc ở nhà cùng ông bà, bố mẹ. Bé sẽ khó chấp nhận việc phải xa người thân và sinh hoạt trong một môi trường lạ lẫm. Vì vậy, những ngày đầu tiên đi học, trẻ thường cảm thấy lo lắng, sợ hãi, thậm chí là khóc lóc ăn vạ để không đến trường

Theo TS tâm lý Lê Duy Tuấn, Đại học Nguyễn Huệ, những ngày đầu đến trường trẻ gặp khó khăn tâm lý là chuyện bình thường, nhưng nếu một đứa trẻ thường xuyên khóc lóc, khó thích nghi ở trường, thậm chí là rối loạn cảm xúc thì không phải chuyện nhỏ.

"Các bậc phụ huynh có con nhỏ lần đầu đến trường cần tìm hiểu kỹ, tránh tâm lý đơn giản cho rằng dần dần trẻ sẽ quen hết và bỏ qua những dấu hiệu rối loạn của trẻ.

Nếu trẻ đi học sau hơn nửa tháng mà có những rối nhiễu cơ thể như nhức đầu, đau bụng, nôn ói, căng thẳng, sợ hãi, ngủ không ngon giấc...kéo dài, cha mẹ cần đưa bé đến trung tâm tư vấn tâm lý hay bệnh viện.

Cũng theo TS Tuấn, trước khi đến trường, cha mẹ cần chuẩn bị thật tốt cho trẻ, nhất là giúp trẻ vững vàng về tâm lý. Hãy để cho trẻ thực sự thích nghi một cách tự nhiên với trường lớp, bạn bè thì khi trẻ chính thức đến trường các bé sẽ tự tin và dễ hòa nhập.

I. Lý do nào khiến bé không chịu đi học?

1. Do được cưng chiều quá nhiều

Hình dung ngay được là các bạn trẻ nhỏ không chịu đi học là thường đang được bố mẹ cưng chiều quá nhiều. Trong thời gian ở nhà có lẽ các bé đã được bao bọc và muốn gì được nấy. Sự đòi hỏi của bé sẽ luôn được đáp ứng và thái quá nên bé sẽ rất ham chơi, ham ăn ham ngủ. Giờ đến tuổi đi học, bé được bố mẹ đưa đến trường để học với chúng bạn thì hẳn là không chịu rồi!

2. Do bé chưa quen với việc học tập và vui chơi cả ngày tại trường theo giờ giấc nhất định

Khi còn ở nhà với bố mẹ trẻ ăn ngủ và sinh hoạt không theo một khung giờ nhất định, nhiều khi trẻ thức khuya dậy muộn và ăn không đúng bữa. Khi đi học tại trường mầm non trẻ phải dậy sớm đi học, ăn ngủ theo giờ nhất định nên trẻ chưa quen dẫn đến trẻ sợ đi học, hay khóc mỗi khi đến lớp.

3. Do bé lạ trường, lạ lớp và sợ sệt việc đến trường

Đối diện với một môi trường mới, không đứa trẻ nào là không sợ sệt và lạ lẫm. Nhiều bé sợ và òa khóc vì phải xa bố mẹ và căn phòng đồ chơi yêu thương của bé. Với trường hợp này, bố mẹ phải hết sức nhẹ nhàng và khuyên bảo, dỗ dành trẻ.

4. Nguyên nhân về tâm lý của trẻ

Với các bé học sinh mẫu giáo, các em chưa sẵn sàng tới trường chủ yếu do chưa muốn tách khỏi mẹ. Các bé thường thích ở nhà để được mẹ chơi với mình nhiều hơn, với suy nghĩ đó trẻ thường khóc lóc khi đến lớp. Hơn nữa, đến lớp bé thấy xa lạ khi xung quanh mình là bạn bè, cô giáo mà không phải là gia đình mình.

Khi điều trị tâm lý cho trẻ sợ đi học, các bác sĩ phát hiện đa số những trẻ này là con cưng trong gia đình. Do “cưng” trẻ quá mức nên các bậc cha mẹ chưa chuẩn bị kỹ năng sống và bé ngại do thích ứng kém, khi đó các em không thể tự tin đến trường. Bé không biết sinh hoạt cá nhân, không biết tự lo cho bản thân mình lại ở một ngôi trường mới, một lớp học mới khiến việc hòa nhập rất khó khăn. Đó thường là các bé nhút nhát, khó hòa nhập, ít tiếp xúc với bên ngoài. Khi bắt đầu đi học, các bé phải thích nghi với một giai đoạn chuyển tiếp, từ hoạt động chơi với yếu tố hứng thú là chính sang hoạt động học tập mà điều người lớn quan tâm nhất là kết quả. Điều đó khiến bé cảm thấy căng thẳng, khó tuân thủ các yêu cầu của cô như tập trung nghe giảng, làm bài tập đầy đủ…

Để giúp các con ổn định tâm lý trước khi đến trường cũng như dễ dàng vượt qua nỗi sợ đi học, bố mẹ nên dành thời gian nói chuyện với con và áp dụng những lời khuyên cho trẻ không chịu đi học dưới đây nhé.

II. Cách dỗ trẻ mầm non đi học không khóc:

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, Giám đốc Công ty Tư vấn Tâm lý An Việt Sơn, việc trẻ thường xuyên khóc đòi bố mẹ là do chưa thích nghi được với môi trường mới nên lạ lẫm, sợ hãi là điều không tránh khỏi. Đối với những trẻ dễ thích nghi, quá trình làm quen chỉ mất từ 1-3 ngày. Với những trẻ ít tiếp xúc với người lạ, thời gian hòa nhập cộng đồng sẽ lâu hơn. Thời gian làm quen dài hay ngắn tùy thuộc vào mức độ sợ đám đông của mỗi trẻ, cách chăm sóc của thầy cô tại lớp và sự động viên từ phía gia đình.

Ông Nguyễn An Chất khuyến cáo, để tránh trường hợp trẻ quá lạ lẫm với môi trường mới, các bậc phụ huynh phải cho trẻ làm quen với những nơi đông người càng sớm càng tốt. Việc đưa trẻ đến các khu vui chơi của trường hoặc đứng từ ngoài quan sát các bạn tham gia hoạt động tập thể sẽ góp phần tạo hứng thú cho trẻ trước khi đến lớp.

Bố mẹ nên kể cho trẻ nghe những mẩu truyện hoặc cho trẻ xem đoạn video ngắn về các hoạt động bé có thể tham gia khi đến trường. Điều này sẽ giúp trẻ không quá bỡ ngỡ như đang “lạc” vào thế giới khác.

Bố mẹ cũng không được quá mủi lòng. Ngày đầu đưa trẻ tới trường cần chào nhanh gọn, tránh dặn dò quá dài vì nó sẽ khiến trẻ tủi thân và bật khóc ngay lúc đó.

Cố gắng động viên, vỗ về trẻ sau mỗi buổi đến trường. Nếu trẻ có thể kể lại các hoạt động diễn ra tại lớp thì sẽ sớm làm quen và hòa nhập với môi trường mới.

Hầu hết các bé thời gian đầu đều không thích đi học, các bé sẽ khóc khoảng 2 tuần đầu tiên khi tới lớp, từ tuần thứ 3 trở đi các bé sẽ quen dần với môi trường mới và sẽ chịu hợp tác hơn. Tuy nhiên, có một số bé vẫn khóc dù đã đi học được 3 tuần, thậm chí 1 tháng. Đặc biệt hơn, có những bé dù đã đi được 2, 3 thậm chí 5 tháng nhưng vẫn khóc khi được bố mẹ cho đến lớp và khóc rất nhiều khi vào lớp. Tuy nhiên, chỉ một lúc sau con lại ngoan, chịu chơi với các bạn và khi được đón về thì lại rất vui vẻ, hào hứng thậm chí còn không chịu về nữa.

1. Mượn đồ chơi ở lớp để mang về nhà

“Con không đi học đâu, ở nhà cơ” là câu cửa miệng của những trẻ mới đi học mỗi khi thức dậy vào buổi sáng. Dù trước đó mẹ đã thử nhiều cách từ mềm mỏng, cứng rắn, rồi nửa mềm mỏng, nửa cứng rắn, nhưng vẫn không mang lại hiệu quả gì. Con vẫn khóc thậm chí còn gào rất to khi chuyển từ tay mẹ sang tay cô. Mẹ vẫn phải gạt nước mắt bước đi không do dự. Nhưng đến chiều, khi được mẹ đón về bé lại rất vui vẻ, có khi còn bảo mẹ về đi, con ở đây thôi!Mẹ có thể lợi dụng tâm lý thoải mái, dễ chịu của con khi mẹ đón vào buổi chiều để cả hai mẹ con cùng trò chuyện. Cùng với con nán lại lớp học một chút, cho con chơi tự do cùng với cô, các bạn ở trường . Trong quá trình con chơi, mẹ tranh thủ để trò chuyện với cô giáo trực tiếp trông nom và dạy con học để tìm hiểu về những hoạt động trong ngày của con.

Nếu con không muốn về mà vẫn còn mải mê với những đồ chơi còn dang dở ở lớp thì hãy nói với con rằng: Mẹ sẽ nói với cô giáo cho con mượn một thứ đồ chơi để mang về nhà và sáng ngày mai khi đi học, con phải mang thứ đồ chơi đó ra trả cho cô nhé! Hãy nói điều này khi có trẻ, mẹ và cô cùng ở đó. Tất nhiên, là con của bạn sẽ rất vui mừng vì bé đang chơi những đồ chơi đó rất say sưa mà.

Sáng ngày hôm sau, trước khi đến lớp, nếu con vẫn còn khóc, mẹ hãy đưa thoả thuận từ hôm trước này để nói với bé: Hôm qua con đã hứa với cô và mẹ là sáng nay phải mang bóng ra trả cho cô rồi mà. Con đã mượn để mang về chơi còn gì? Con có nhớ không? Vì vậy, bây giờ con nên đến lớp để trả đồ chơi cho cô chứ? Bé sẽ nhớ lại giao ước từ chiều qua giữa mẹ, cô và bé để ngoan ngoãn tới lớp trả đồ cho cô.

2. Mang đồ chơi con yêu thích ở nhà tới lớp

Những ngày đầu tiên đi học, con sẽ có cảm giác như là bị mẹ bỏ rơi ở trường vậy. Dù rằng, cô có quan tâm, bạn bè có hoà đồng nhưng những điều đó sẽ chẳng có ý nghĩa gì vì với con, đó là những người hoàn toàn xa lạ. Mẹ hãy mang một chú thú nhồi bông xinh xắn, một chiếc gối ôm có hình con vật, một bình nước uống mà ở nhà mỗi khi con khát là lại chạy tới lấy, hay thậm chí là một chiếc khăn con yêu thích hay mang theo bên người…

3. Con không đến lớp, bạn sẽ buồn đó!

Nếu con đã đi lớp được một thời gian, hẳn con đã có người bạn có thể chưa được gọi là thân nhưng là người bạn mà con hay chơi cùng nhất ở lớp. Trên thực tế thì những bé 2 tuổi có khả năng nhớ tên và chơi cùng với một số bạn trong lớp của mình.

C:\Users\Techsi.vn\Desktop\Hình ảnh B1 (2023-2024)\môn VẼ\z4624912897121_3a520a49afac5bfaf5ceb1a306eead79.jpg

Các mẹ nên tìm hiểu xem, ở lớp con quý bạn nào nhất, con thích chơi với bạn nào nhất để những khi con không muốn đi học mẹ có thể dùng đến “chiêu” này: Mẹ nói với con rằng, nếu hôm nay con không đi lớp, vắng con bạn Mít (chẳng hạn) sẽ buồn đó.

Thực sự thì “chiêu” này không chỉ hiệu quả đối với mình mà còn tỏ ra khá hiệu quả đối với một số mẹ khác. Các con sau khi nghe thấy mẹ nói vậy thường hăng hái và tích cực hẳn lên trong việc đến trường.

4. Con không đi học, vậy con ở nhà một mình nhé

Bạn cũng có thể nói với con rằng: Bây giờ, bố và mẹ phải đi làm, nếu con không muốn đến trường vậy thì được rồi, con ở nhà một mình nhé! Bé có thể sẽ gật “cái rụp”, nhưng sau cái gật ấy khi thấy bố mẹ bước đi bé sẽ hiểu chuyện và ngoan ngoãn leo lên xe để đến trường.

Tuy nhiên, không hẳn là bé nào cũng chịu khó hợp tác như vậy. Trong trường hợp bé bướng bỉnh hơn thì tuyệt đối bạn cũng không nên la mắng hay quát nạt con vì điều này chỉ như “đổ dầu vào lửa”. Nó không những làm cho bé thôi khóc mà còn khiến bé trở nên lì lợm và có tâm lý chống đối hơn.

5. Trò chuyện và kể chuyện cho con nghe trước khi đi ngủ

Buổi tối, trước khi đi ngủ, mẹ hãy dành ra một khoảng thời gian để hai mẹ con cùng trò chuyện với nhau. Hãy hỏi: Hôm nay con đi học có vui không? Hỏi con về các bạn, về cô giáo, về các hoạt động mà con làm trong ngày ở lớp.
Nếu bé không trả lời được cũng đừng vội buồn hay nản mà hãy xem đó là một cách để hai mẹ con tâm sự, trò chuyện giúp con đến gần hơn với trường học. Hãy cùng với con hát những bài hát về trường, về cô giáo… Mua cho con những cuốn chuyện có chủ đề xoay quanh những nội dung trên.

Mục đích là tạo ra niềm vui, sự gần gũi, hứng thú cho con đối với việc đi học. Đây là một biện pháp đòi hỏi bạn phải kiên trì thực hiện từng chút một. Sau một khoảng thời gian mới thấy được kết quả.

6. Bố mẹ tạo cho con sự thích thú khi được đi học, cho con làm quen với trường lớp mới trước khi đi học

- Kể về những hoạt động ở trường học

Nói với con về những trò chơi mà con sẽ chơi hay những môn học mà con sẽ làm quen, những người bạn mà con sẽ gặp. Những ngày đầu khi đi học, cha mẹ nên đến lớp cùng với con và chắc chắn với con rằng bố mẹ luôn đến đón con vào lúc con tan học. Đừng đặt ra quá nhiều mục tiêu về thành tích hay những điều xa vời vào thời gian đầu đi học. Con sẽ choáng ngợp và lo lắng nhiều hơn. 

-Gặp gỡ cô giáo

Các chuyên gia khuyên rằng: Cha mẹ cần làm thật kỹ khâu chuẩn bị bằng cách trước khi đi học nên cho con đến lớp chơi trước để bé làm quen dần với cô, các bạn và không khí trường học. Nếu có thể gặp gỡ các cô giáo dạy ở lớp học của con trong tương lai thì con sẽ cảm thấy thoải mái và thân quen hơn khi bắt đầu đi học ở ngôi trường mới. Bởi con sẽ nhận ra đây là cô giáo mà con đã biết, một người con đã quen, và con sẽ không cảm thấy lạ lẫm khi bắt đầu đi học. 

-Thăm trường lớp mà con sẽ học

Dẫn con đi thăm quan ngôi trường mới mà con sẽ học, chỉ cho con biết đâu là lớp học của con. 

D:\ANH HOẠT ĐỘNG LỚP B1 21-22\z3471788369861_58c0a091585a13662e97458d37fbc0bb.jpg

Thăm quan trường lớp giúp con tự tin đi học hơn

Chỉ cho con nơi con ăn trưa, sân trường rộng lớn, những cây bóng mát, các khu nhà đặc biệt trong trường là cách để con bớt bỡ ngỡ trong ngày đầu đến trường. 

-Kết bạn trước khi đến trường

Bố mẹ có thể gặp mặt một số phụ huynh cùng lớp trước ngày đến trường để các con làm quen và kết bạn trước. Đây cũng là một cách giúp đỡ để con mạnh dạn hơn trong những ngày đầu đi học. Con vừa có bạn ở trường, bố mẹ cũng có thể trao đổi với các bậc phụ huynh khác để chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con.

-Luôn động viên và giữ cho con có suy nghĩ tích cực

Các con có thể cảm thấy lo lắng hoặc phấn khích quá mức trước ngày đến trường, nhưng bằng mọi giá bố mẹ cần phải động viên con rằng đi học là một điều vô cùng vui vẻ, luôn giúp con có suy nghĩ tích cực trước mọi vấn đề xảy ra ở trường học. Chính nhờ những điều này, con sẽ luôn biết cách tin tưởng vào bản thân mình. 

- Chơi trò chơi về trường học

Bố mẹ cũng có thể giúp con tưởng tượng ra khung cảnh lớp học bằng cách để con làm giáo viên và xếp thú bông thành học sinh trong lớp học của con. Mọi cảm xúc tiêu cực sẽ bị thổi bay, con sẽ mạnh dạn tự tin hơn và cũng háo hức được đến trường đi học nhiều hơn. 

- Đọc sách về chuyện đi học

Chọn những cuốn sách có chủ đề đi học và đọc cho con nghe mỗi ngày. Điều này giúp con hình dung dễ dàng hơn về những điều mà con sẽ trải qua khi đi học. Những người bạn trong sách cũng giúp con đồng cảm và có cái nhìn rõ ràng hơn về mọi câu chuyện xảy ra ở trường. Việc đọc sách sẽ dẫn con đến những cách xử lý tình huống thông minh, luôn tin tưởng nói với bố mẹ về mọi vấn đề khi đi học.

- Luôn kiên nhẫn với con

Việc một bạn nhỏ mới bắt đầu đi học sẽ cần rất nhiều sự kiên nhẫn và lòng tin của bố mẹ. Con có thể nản chí, có thể khó chịu thậm chí ghét việc đi học. Nhưng chỉ cần bố mẹ đủ kiên trì cùng con vượt qua giai đoạn ban đầu, con sẽ có cảm tình với trường lớp, cũng sẽ có được niềm vui thích khi đi học mỗi ngày.

- Cho con một người bạn an ủi

Đôi khi bố mẹ là không đủ để an ủi hết những điều con cảm thấy không thoải mái khi đi học, và ngay lúc này con cần có một người bạn thân thiết như một em thú cưng trong nhà hoặc một bạn thú cưng mà con yêu thích. 

- Tạo ra một nghi thức đặc biệt cho con

Một câu mật khẩu hay một hành động ngộ nghĩnh để chào con khi đưa con đi học là điều sẽ tạo ra những niềm hứng thú nho nhỏ cho con trong suốt thời gian đến trường. Con sẽ cảm thấy vô cùng thích thú vì mình và bố mẹ có những mật khẩu riêng không ai biết, và con luôn cảm thấy tin tưởng khi bố mẹ đến đón con đúng giờ tan học. 

Phải xa vòng tay của những người thân yêu để đến một môi trường hoàn toàn mới, chuyện bé hụt hẫng, lo lắng thậm chí sợ hãi là điều khó tránh khỏi. Hãy thật kiên nhẫn, luôn ở bên động viên, khuyến khích với tất cả tình yêu thương và sự thông thái của bạn.

Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 4/5 trong 31 đánh giá
Chia sẻ: